Sẽ kiểm soát chặt quá trình mở rộng đô thị

Rate this post

Đây là một nội dung quan trọng được đề cập trong dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 42/2009/NĐ-CP (NĐ42) về phân loại đô thị. Nhằm tìm hiểu thêm về vấn đề này, Báo Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Viết Chiến – Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị.

Sửa đổi NĐ42 cho phù hợp với tình hình mới

Thưa ông, sau hơn 6 năm ban hành, NĐ42 đã phát huy hiệu quả như thế nào? Và vì sao cần phải sửa đổi NĐ42?

– Từ khi được ban hành, việc phân loại đô thị ở Việt Nam được thực hiện theo NĐ42 và Thông tư số 34/2009/TT-BXD hướng dẫn NĐ42. Mục đích của phân loại đô thị là nhằm tổ chức sắp xếp hệ thống đô thị, cấp quản lý hành chính đô thị; xét duyệt quy hoạch xây dựng; nâng cao chất lượng đô thị và xây dựng cơ chế chính sách quản lý phát triển đô thị theo hướng phát triển bền vững, đạt hiệu quả cao trên cả 3 lĩnh vực kinh tế – xã hội – môi trường…

Áp dụng NĐ42, đến nay các cấp có thẩm quyền đã quyết định công nhận được khoảng trên 120 đô thị từ loại V đến loại I. Một số đô thị được nâng loại, sau đó đã được nâng lên TP, thị xã, thị trấn. Nhiều điểm dân cư nông thôn được đầu tư xây dựng trở thành đô thị loại V, trung tâm cấp huyện…

Tính đến tháng 12/2014 cả nước có 774 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 15 đô thị loại I, 21 đô thị loại II, 42 đô thị loại III, 66 đô thị loại IV và 628 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt khoảng 34,5%. Chất lượng đô thị từng bước được nâng lên. Các đô thị lớn từng bước đảm đương vai trò đầu tầu trung tâm cấp quốc gia, cấp vùng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng và toàn quốc…

Có thể khẳng định NĐ42 đi vào thực tiễn đã góp phần từng bước hoàn chỉnh hệ thống đô thị của Việt Nam, phát triển đúng hướng theo Quy hoạch tổng thể hệ thống phát triển đô thị Việt Nam được Thủ tương Chính phủ phê duyệt tại quyết định 445/QĐ-TTg, ngày 7/4/2009.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, NĐ42 cũng đã bộc lộ những điểm không còn phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ mới, đặc biệt là Luật Tổ chức Chính quyền địa phương mới được ban hành.

Thưa ông, NĐ42 đã bộc lộ những yếu tố bất cập như thế nào?

– Theo các quy định tại NĐ42, trình tự phân loại đô thị và cấp quản lý hành chính đô thị chưa chặt chẽ, chưa có các quy định về nguyên tắc, điều kiện cần và đủ để được phép tổ chức phân loại đô thị. NĐ42 chưa có chế tài giám sát kiểm soát chất lượng đô thị sau khi được nâng loại; chưa quy định thời gian kiểm tra đánh giá lại chất lượng đô thị sau khi được công nhận nâng loại cũng như các biện pháp giám sát khắc phục các tiêu chuẩn, tiêu chí còn thiếu, nhằm hướng tới một đô thị phát triển đồng bộ và bền vững. Hiện tượng mở rộng đô thị thiếu kiểm soát và đầu tư hệ thống hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ, dẫn đến tình trạng chất lượng đô thị chưa tương xứng với loại đô thị được nâng.

Đáng chú ý là NĐ42 chưa quy định rõ các đô thị có tính chất vùng, miền và yếu tố đặc thù như đô thị di sản, đô thị du lịch, đô thị biển đảo, đô thị có chức năng đặc khu khu kinh tế – hành chính…

Hơn nữa, NĐ 42 chưa quy định điểm liệt để đảm bảo chất lượng đô thị khi nâng loại. Tiêu chuẩn về quy mô dân số toàn đô thị khá cao, hầu hết các đô thị đều không đạt, dẫn đến việc mở rộng đô thị, lấy thêm dân cư các vùng phụ cận thành dân cư đô thị. Tiêu chuẩn về hạ tầng đô thị còn khó định lượng. Các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường, phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu chưa được đề cập cụ thể…

Ngoài ra, một số khái niệm đô thị, cấp quản lý hành chính đô thị chưa được làm rõ, quy định của NĐ42 còn chưa thống nhất với các văn bản pháp luật liên quan như Luật Quy hoạch Đô thị, Nghị định 62/2011/NĐ-CP về phân cấp quản lý hành chính đô thị, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương vừa mới được Quốc hội thông qua.

Những yếu tố bất cập này đòi hỏi cần phải khẩn trương nghiên cứu sửa đổi NĐ42 để thống nhất với các quy định pháp luật mới được ban hành cũng như nhằm nâng cao hiệu quả của công tác phân loại đô thị.

Tập trung nâng cao chất lượng đô thị

Vậy trong dự thảo nghị định sửa đổi NĐ42 mà Cục Phát triển đô thị chủ trì soạn thảo thì những nội dung mới nào sẽ được đề cập, thưa ông?

– Dự thảo NĐ42 sửa đổi tập trung vào 5 quan điểm đổi mới. Thứ nhất, kiểm soát chặt quá trình mở rộng đô thị nhằm nâng cao chất lượng đô thị tương xứng với loại đô thị được nâng.

Thứ hai, khuyến khích đầu tư vào các đô thị vừa và nhỏ, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, giảm chênh lệch trình độ phát triển kinh tế và chất lượng sống đô thị; kiểm soát được di cư cơ học từ nông thôn vào đô thị, từ đô thị nhỏ vào đô thị lớn theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Thứ ba, thống nhất quy trình phân loại đô thị và phân cấp quản lý hành chính đô thị phù hợp với luật Tổ chức Chính quyền địa phương.

Thứ tư, dự thảo NĐ chú trọng tăng cường công tác quản lý đô thị, quản lý đầu tư phát triển đô thị theo đúng quy hoạch và kế hoạch, quản lý phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý kiến trúc cảnh quan, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Thứ năm, xác định tiêu chí liên quan đến yếu tố vùng miền và yếu tố đặc thù đô thị (như đô thị du lịch, đô thị di sản, đô thị biển đảo, đô thị đặc khu kinh tế – hành chính…) để phù hợp với địa phương và kiểm soát được quá trình phát triển đô thị bền vững. Dự thảo NĐ đồng thời quy định cụ thể về các trường hợp đô thị có tính chất đặc thù, vùng miền và các tiêu chí đánh giá đối với từng loại đô thị.

Sau cùng, Dự thảo NĐ làm rõ trình tự, hồ sơ, thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác lập đề án phân loại đô thị; thẩm định; quyết định và công bố loại đô thị…

Trân trọng cảm ơn ông!

0936252539
Liên hệ