Thép mạ Việt Nam bị yêu cầu điều tra chống bán phá giá tại Mexico
Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết ngày 24/8/2021 vừa qua đã nhận được thông tin về việc Bộ Kinh tế Mexico nhận đơn của ngành sản xuất trong nước yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Việt Nam và chuẩn bị đăng công báo điều tra.
Sản phẩm bị cáo buộc bán phá giá là thép mạ có mã HS 7210.
Theo số liệu sơ bộ từ Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) (http://trademap.org), trong năm 2020, Mexico nhập khẩu khoảng 220 triệu USD sắt thép các loại từ Việt Nam, tăng khoảng 70% so với năm 2019. Trong đó, các sản phẩm sắt thép không hợp kim cán phẳng, có chiều rộng từ 600mm trở lên, đã phủ, mạ hoặc tráng có mã HS 7210 chiếm gần 80%.
Do Việt Nam và Mexico cùng là thành viên của Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nên các sản phẩm thép mạ có mã HS 7210 của Việt Nam đang được hưởng thuế suất ưu đãi 0% khi xuất khẩu sang Mexico. Đây là vụ việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại đầu tiên của Mexico đối với Việt Nam.
Cơ quan điều tra Mexico sẽ xem xét việc tiến hành khởi xướng điều tra vụ việc trong vòng tối đa 30 ngày kể từ ngày nhận đơn kiện đầy đủ. Trong trường hợp vụ việc được khởi xướng, cơ quan điều tra Mexico sẽ gửi bản câu hỏi điều tra tới các doanh nghiệp có liên quan và các doanh nghiệp có khoảng thời gian 28 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra để hoàn thành bản trả lời câu hỏi. Các tài liệu do Cơ quan điều tra của Mexico gửi bằng tiếng Tây Ban Nha và các tài liệu do các bên nộp cho Cơ quan điều tra của Mexico cũng phải bằng tiếng Tây Ban Nha.
Việc trả lời bản câu hỏi là bắt buộc nếu doanh nghiệp không muốn bị áp mức thuế bất hợp tác.
Liên quan đến vụ việc này, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị Hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu liên quan chủ động rà soát các hoạt động xuất khẩu thép mạ sang Mexico; đồng thời nghiên cứu, tìm hiểu quy định, trình tự thủ tục điều tra chống bán phá giá của Mexico.
Các doanh nghiệp cũng cần thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Nguồn tin: Công thương