Giá thép nhảy múa, nhà thầu chịu rủi ro lớn

Rate this post

 Các đơn vị xây lắp có thể yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh hợp đồng để vượt qua khó khăn khi giá thép tăng cao, dù ký kết hợp đồng trọn gói hoặc theo đơn giá cố định.

Giá thép khó lường

Giá của các loại vật liệu xây dựng nói chung và mặt hàng thép nói riêng tăng đột ngột kể từ cuối năm 2020 khiến nhiều nhà thầu rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Không ít doanh nghiệp lên tiếng rằng, với những dự án đã ký hợp đồng, nếu tiếp tục làm theo giá thép hiện tại chắc chắn sẽ thua lỗ, thậm chí có nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, nếu không làm đúng thời hạn sẽ bị phạt vì vi phạm điều khoản, sau này khó có thể ký được hợp đồng mới.

Thực tế cho thấy, tỷ trọng chi phí thép xây dựng chiếm khoảng 11 – 16% trong tổng giá trị công trình. Nếu giá thép biến động tăng 10% sẽ kéo theo giá công trình tăng 1%.

Ở thời điểm nóng, giá thép có loại tăng 40 – 45% so với cuối năm 2020, tức giá trị công trình tăng xấp xỉ 4%, trong khi lãi của một công trình đối với nhà thầu thường dưới mức 5% (điều kiện là chủ đầu tư thanh toán đúng hạn và không nợ đọng).

Chi phí thép xây dựng chiếm khoảng 11 – 16% trong tổng giá trị công trình.

Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, không chỉ ở trong nước, mà ở khắp nơi trên thế giới, giá thép tăng vì nguồn cung nguyên liệu không đáp ứng đủ nhu cầu. Hầu hết nguyên liệu như phôi, thép phế liệu, điện cực graphite, than mỡ luyện coke, quặng sắt 62%… đều tăng giá mạnh.

Tuy nhiên, vào cuối tháng 5/2021, sau khi Chính phủ Trung Quốc cảnh báo về hoạt động đầu cơ, thổi giá vật liệu thô, giá thép nước này bắt đầu có sự điều chỉnh và giảm dần. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ có dấu hiệu chững lại.

Trên Sàn giao dịch hàng hóa Thượng Hải, giá thép cây và thép cuộn cán nguội sau khi lần lượt tăng 14,5% và 17,5% trong gần 2 tuần đầu tháng 5 đã giảm hơn 24% vào 2 tuần tiếp theo.

Tương tự, với quặng sắt, trên Sàn giao dịch hàng hòa Đại Liên ngày 8/6/2021, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 giảm 0,7%, xuống 1.149 CNY/tấn, sau khi giảm lần lượt 1,9% và 4,4% trong 2 phiên trước đó (4/6 và 7/6).

Nhưng diễn biến điều chỉnh không kéo dài thêm, mà giá thép ở Trung Quốc rục rịch tăng trở lại. Trên Sàn giao dịch hàng hóa Thượng Hải, chốt phiên ngày 9/6, giá thép kỳ hạn tháng 10/2021 tăng 54 CNY/tấn, lên 5.033 CNY/tấn.

Trong nước, giá thép nhìn chung vẫn ở mức cao. Hai thương hiệu Thép Mỹ và Tung Ho với dòng thép cuộn CB240 sau khi điều chỉnh giảm có giá lần lượt là 16.700 đồng/kg và 17.100 đồng/kg.

Với thép Hòa Phát, giá thép cuộn CB240 ổn định ở mức 17.200 đồng/kg, thép D10 CB300 có giá 17.100 đồng/kg. Tương tự, thương hiệu thép Kyoei giữ nguyên giá bán, dòng thép cuộn CB240 có giá 16.950 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 có giá 17.200 đồng/kg. Các thương hiệu thép khác như Việt Ý, Pomina… cũng đang đứng giá.

Chủ đầu tư chia sẻ khó khăn với nhà thầu

Các chuyên gia nhận định, diễn biến giảm của giá thép trong những phiên gần đây có thể là sự điều chỉnh ngắn hạn của thị trường.

Dự báo, từ nay đến cuối năm, giá thép sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí tiếp tục tăng lên trong mùa xây dựng (từ sau Tết Nguyên đán đến hết quý III). Do đó, khó khăn vẫn ở trước mắt với các đơn vị xây lắp.

Trong bối cảnh khó khăn chung, doanh nghiệp xây lắp cần thích ứng với biến động của thị trường mới có thể duy trì hoạt động và hiệu quả kinh doanh, nhất là khi nhận được sự chia sẻ từ chủ đầu tư.

Ngày 9/6/2021, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) công bố trúng thầu thêm 3 dự án với tổng giá trị hơn 249 tỷ đồng. Trước đó, trong thời điểm giá thép đang là cơn ác mộng với nhiều nhà thầu, Công ty này vẫn liên tiếp thông báo sẽ thực hiện các dự án có giá trị từ vài chục tỷ đồng đến vài nghìn tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị HBC cho biết, đợt tăng bất ngờ của giá thép có thể khiến Công ty bị ảnh hưởng khoảng 1% lợi nhuận vì phải bù vào chi phí xây dựng, song đây vẫn là tín hiệu tích cực trước biến động của thị trường.

Con số ông Hải đưa ra có thể sẽ tác động vào kết quả kinh doanh quý II/2021 của doanh nghiệp, còn trong quý đầu năm nay, lợi nhuận hợp nhất vẫn đạt 8,96 tỷ đồng, tăng gần 64% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Hải, một số hợp đồng của HBC đã được điều chỉnh và hầu hết dự án được chủ đầu tư bù giá.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp trong nước phản ánh, khi ký kết hợp đồng trọn gói hoặc theo đơn giá cố định, nhà thầu sẽ phải tuân thủ điều khoản đã ký, mà không được yêu cầu chủ đầu tư thay đổi đơn giá.

Tuy nhiên, HBC có một số dự án theo đơn giá trọn gói và đơn giá cố định, song Công ty vẫn được nhà đầu tư bù một phần chi phí.

“Có một số hợp đồng do ràng buộc nhiều điều khoản nên không thể thay đổi, song vẫn tồn tại vài nội dung mang tính chung chung, hai bên có thể ngồi lại, trao đổi với nhau để cùng giải quyết khó khăn. Một số chủ đầu tư của HBC chấp nhận hỗ trợ bù giá và đang trong quá trình thương thảo thêm”, ông Hải nói.

Hợp đồng có thể điều chỉnh giá

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc điều hành Công ty Luật My Way cho rằng, việc điều chỉnh giá trong hợp đồng sẽ theo quan điểm của mỗi doanh nghiệp. Về mặt nguyên tắc, những hợp đồng trọn gói hay đơn giá cố định không được điều chỉnh về giá. Tuy nhiên, khi giá biến động lớn, nhà thầu có thể đề nghị chủ đầu tư hỗ trợ.

Theo luật sư Hồi, căn cứ Điều 402, Bộ luật Dân sự, khi thực hiện hợp đồng nhưng có những điều kiện, hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia tiến hành điều chỉnh hợp đồng.

Các doanh nghiệp xây dựng dù đã ký hợp đồng vào thời điểm thị trường bình ổn, nhưng với diễn biến không lường trước được dẫn đến giá sắt thép thay đổi, đó là sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản, nên có thể đề nghị chủ đầu tư điều chỉnh hợp đồng.

Trong trường hợp nhà thầu đã nhận được tạm ứng của chủ đầu tư trước thời điểm giá thép tăng thì phải thực hiện theo đơn giá tại thời điểm đó, đối với khoản chưa ứng thì có thể thay đổi.

Trên thực tế, yêu cầu điều chỉnh giá trên hợp đồng không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Luật sư Hồi cho hay, ông đã gặp nhiều trường hợp nhà đầu tư không chấp thuận yêu cầu từ phía nhà thầu. Hai bên phải nhờ đến sự vào cuộc của tòa án để đề nghị điều chỉnh hoặc dừng hợp đồng.

“Để nhà thầu được bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình, về mặt pháp lý chỉ có yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh hợp đồng, hoặc mạnh tay hơn thì nhờ tòa án giải quyết”, luật sư Hồi nói.

0936252539
Liên hệ