Ngành thép trong 6 tháng còn lại năm 2022 sẽ diễn ra như thế nào?
6 tháng cuối năm tiếp tục là quãng thời gian đối với ngành thép khi các yếu tố rủi ro về lạm phát, phòng vệ thương mại vẫn gia tăng.
Thị trường thép trong nửa đầu năm 2022 đầy sóng gió khi tăng mạnh vào quý I (có lúc chạm mốc 19.000 đồng/kg) nhưng rồi lao dốc vào quý II khi trả qua 7 lần giảm giá. Hiện giá thép xây dựng dao động trong khoảng 16.000 đồng/kg.
Nguyên nhân là vì nhu cầu thép trong nước vẫn đang suy yếu. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết giá cả xăng dầu và tiền lương lao động tăng kéo theo các chi phí sản xuất tăng theo. Trong khi đó, nhu cầu thép ở các công trình thấp.
Sản lượng thép xây dựng trong tháng 5 tiếp tục xu hướng đi xuống khi giảm 10% so với tháng 4 còn hơn 1 triệu tấn. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, con số này giảm 18%.
Giá thép giảm liên tục từ cuối tháng 4 đến nay khiến các nhà phân phối tìm cách giảm hàng tồn kho, chỉ mua loại và lượng hàng khi cần thiết để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Điều này càng khiến việc tiêu thụ thép trong nửa đầu năm nay càng thêm ảm đạm.
Do vậy, các nhà máy thời điểm này đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường như Campuchia, Hồng Kông, Canada và Mỹ. Động thái chuyển dịch này phản ánh ngay trong số liệu của tháng 5 khi xuất khẩu thép xây dựng tăng tới gần 49% lên 260.000 tấn. Việc tăng trưởng ở mảng xuất khẩu đã phần nào giúp bù đắp sự ảm đạm ở thị trường trong nước và kéo kết quả bán hàng chung của cả tháng 5 tăng 17% sau khi giảm sâu tới 40% trong tháng 4.
Tình hình ở mảng tôn mạ kim loại & sơn phủ màu cũng không khá khẩm hơn là bao khi xuất khẩu (chiếm 56% cơ cấu tiêu thụ) đang có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, lượng bán hàng trong tháng 5 giảm 17% xuống 366.000 tấn. Trong đó, mảng xuất khẩu giảm 23% xuống hơn 207.000 tấn.
Riêng với Tập đoàn Hoa sen, doanh nghiệp chiếm thị phần tôn mạ lớn nhất cả nước, ghi nhận mức tiêu thụ giảm tới 35% xuống 100.700 tấn. Con số này thấp hơn 43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tình hình căng thẳng chiến sự giữa Nga – Ukraine được dự báo sẽ có lợi cho ngành thép Việt Nam khi nguồn cung cho các thị trường Mỹ và Châu Âu bị thiếu hụt.
Tuy nhiên, Chủ tịch Trần Đình Long cho rằng “thực tế không màu hồng như mọi người tưởng”
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với ngành thép từ nay đến cuối năm
Mùa mưa – cơn ác mộng của ngành xây dựng và ngành thép, đang đến. Và mùa mưa cũng là một trong những yếu tố tạo nên tính chu kỳ cho ngành thép.
Thông thường, tiêu thụ thép trong giai đoạn từ tháng 7 – 9 khá trầm lắng do thời tiết mưa nhiều, ảnh hưởng đến tiến độ các công trình xây dựng. Năm nay, việc nhu cầu thép xây dựng vốn đang ở mức thấp lại cộng thêm tác động của thời tiết xấu được cho là sẽ tác động đến lớn đến tình hình tiêu thụ thép trong quý III.
Bên cạnh đó, tốc độ giải ngân đầu tư công cũng không được như kỳ vọng. Trước đó, hồi đầu năm VSA cho rằng việc Chính phủ thúc đẩy đầu tư công sẽ là một trong những động lực chính thúc đẩy ngành thép trong năm 2022. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính tỷ lệ ước giải ngân vốn kế hoạch 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ năm 2021 (29,02%).
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát nhận định: “Chưa có nhiệm kỳ nào Chính phủ cam kết đẩy mạnh đầu tư công như nhiệm kỳ này và đây được coi là cứu cánh đối với ngành thép và vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân tương đối chậm chạp”.
Hiện tại tỷ trọng thép xây dựng cho các công trình đầu tư công của Hoà Phát chiếm 40%. Ông Long cho biết Hoà Phát sẽ linh hoạt tỷ trọng, nếu thời gian tới đầu tư công tăng lên vầ sẽ nâng sản lượng của mặt hàng này.
Lạm phát và suy thoái kinh tế thế giới cũng là yếu tố rủi ro mà ngành thép đang phải đối mặt. Theo ông Long lạm phát khiến người tiêu dùng co tiêu dùng lại. Trong đó, xây dựng là một trong những khoản được cắt giảm đầu tiên bởi người dân vẫn phải ưu tiên nhu cầu ăn, mặc. Điều này tác động trực tiếp đến tình hình xuất khẩu của Hoà Phát và ngành thép nói chung.
Đồng thời, lạm phát cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp thép khi 60 – 70% nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu.
Bộ Công Thương dự báo trong năm 2022, Việt Nam phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế khoảng 6-6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn…
Trong khi đó, dự kiến giá quặng sắt, thép phế, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc… vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước.
Một rủi ro lớn tiếp theo đến từ biện pháp bảo hộ EU – “khách hàng” lớn tiêu thụ thép mạ của Việt Nam.
EU gần đây đã bổ sung Việt Nam vào nhóm “các nước khác” với hạn ngạch nhập khẩu dành cho nhóm này là 2,1 triệu tấn thép mạ kẽm nhúng nóng (HDG).
Theo thông báo, tốc độ tự do hóa hàng năm của biện pháp tự vệ sẽ tăng lên 4% từ 3% kể từ ngày 1/7/2022 đến ngày 30/6/2024, để dần dần cho phép nhập khẩu cạnh tranh hơn vào thị trường trong khi ngành sản xuất trong nước điều chỉnh.
Theo EU, sản lượng xuất khẩu HDG của Việt Nam sang Châu Âu ước đạt 979 nghìn tấn vào năm 2021. Với điều chỉnh này, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU có thể sẽ giảm trong thời gian tới.
Một biến số lớn khác đến từ thị trường Trung Quốc – nơi tiêu thụ tới 60% lượng thép trên thế giới. Việc nước này vẫn theo đuổi chính sách Zero COVID khiến hoạt động xây dựng trong nước bị đình trệ và nhu cầu nhập khẩu thép cũng giảm theo.
Theo Reuters, trong tháng 5 lượng nhập khẩu thép thành phẩm của nước này chỉ đạt 806.000 tấn, giảm 33,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc tiêu thụ thép trong nước khó khăn khiến các nhà máy đẩy mạnh vào xuất khẩu sang các nước, đặc biệt là khu vực Châu Âu. Trong tháng 5, xuất khẩu thép thành phẩm của Trung Quốc đạt gần 7,8 triệu tấn – mức cao nhất kể từ tháng 4/2021. Điều này được cho là sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh lớn cho các nước xuất khẩu thép, trong đó có Việt Nam.
Như vậy trong 6 tháng cuối năm vẫn còn khá nhiều lực cản đối với ngành thép.
Trong báo cáo mới đây, VSA dự báo các doanh nghiệp thép trong nước sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức và những yếu tố bất ổn trong 6 tháng cuối năm 2022.
Người đứng đầu Tập đoàn Hoà Phát tỏ ra khá bi quan về triển vọng trong những tháng còn lại của năm “Quý vị hãy đợi đến quý II, III, hết năm sẽ thấy kết quả kinh doanh của Hoà Phát thê thảm thế nào và mọi người cũng hiểu vì sao tôi thận trọng trong kế hoạch kinh doanh năm 2022. Ngành thép năm nay sẽ khó khăn, không còn thuận lợi như trước. Triển vọng từ nay đến cuối năm, giá thép có thể tiếp tục giảm”.
Các “ông lớn” ngành thép sẽ ra sao?
Với những diễn biến không mấy khả quan của thị trường vừa qua, một số công ty chứng khoán hạ dự báo doanh thu, lợi nhuận của các công ty thép.
Bộ phận nghiên cứu của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) mới đây điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận ròng của Hoà Phát năm 2022 xuống 26,5 nghìn tỷ đồng (giảm 23,1% so với cùng kỳ) chủ yếu do giả định giá thép giảm.
Còn với Hoa Sen, SSI Research cho rằng lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 1,4 nghìn tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ, mặc dù doanh thu vẫn ổn định do giá bán bình quân đã tăng trước đó. SSI Research dự báo sản lượng tiêu thụ sẽ giảm 12,7% xuống 1,96 triệu tấn, chủ yếu do sản lượng xuất khẩu giảm 26% so với mức đỉnh vào năm 2021, trong khi doanh số bán hàng trong nước có thể phục hồi 6% so với cùng kỳ.
Bản thân ban lãnh đạo của Hoa Sen cũng không chắc về những biến động khó lường của thị trường thép năm nay. Do đó, Hoa Sen đưa ra 3 kịch bản về lợi nhuận lần lượt là 1.500 tỷ, 2.000 tỷ và 2.500 tỷ đồng, tuỳ thuộc vào tình hình thị trường và sự ổn định trong chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.
Cuối cùng với Nam Kim, SSI Research dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 của sẽ giảm 39% so với cùng kỳ, xuống còn 1,35 nghìn tỷ đồng. Sản lượng tiêu thụ dự kiến sẽ giảm 4% so với cùng kỳ, xuống 1,04 triệu tấn, trong đó sản lượng xuất khẩu có thể giảm 9%, còn sản lượng tiêu thụ trong nước tăng 5% so với cùng kỳ.
Ở một góc độ nào đó, triển vọng thị trường thép và các doanh nghiệp của ngành trong 6 tháng cuối năm vẫn có những tín hiệu tích cực.
Theo Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), trong năm 2022, ngành bất động sản lẫn xây dựng sẽ hồi phục, qua đó thúc đẩy sản lượng toàn ngành thép. Tuy nhiên, sản lượng sẽ khó có tăng trưởng đột biến như năm 2021 khi hầu hết các công ty thép nội địa đã chạy hết công suất và chưa có những đại dự án mới đưa vào.
MASVN dự đoán năm 2022 sản lượng cả ngành đạt 33.3 triệu tấn, tăng trưởng 8%.
Còn với SSI Research, công ty cho rằng tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép dự kiến sẽ không giảm xuống mức tỷ suất lợi nhuận trong giai đoạn 2018-2019.
Trong năm 2018-2019, việc lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2016-2017 đã thúc đẩy nhiều công ty tăng công suất từ 50% – 100%, đặc biệt trong lĩnh vực tôn mạ. Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng khác như Hoà Phát và Pomina cũng tham gia vào lĩnh vực kinh doanh tôn mạ, làm gia tăng sự cạnh tranh.
Ngoài ra, nợ và hàng tồn kho của các doanh nghiệp thép đầu năm 2018 cũng rất cao, khiến họ phải cắt giảm biên lợi nhuận trong năm 2018-2019 để đẩy mạnh cắt giảm hàng tồn kho và giảm nợ vay.
Trong khi đó, không có sự gia tăng công suất đáng kể trong lĩnh vực thép mạ và thép xây dựng trong giai đoạn 2020-2021.
Mặc dù một số doanh nghiệp chủ chốt trong lĩnh vực này như Hoà Phát, Nam Kim đã có kế hoạch mở rộng cho những năm tới nhưng sự suy giảm của giá thép và triển vọng xuất khẩu, cũng như mức lạm phát cao có thể dẫn đến sự chậm trễ trong việc triển khai dự án này, do công suất sử dụng của nhà máy dự kiến sẽ giảm xuống dưới công suất tối đa vào cuối năm 2022.
Ngoài ra, mức nợ của các công ty tôn mạ cũng đã giảm xuống mức an toàn hơn nhiều so với giai đoạn trước. Do đó, mặc dù tỷ suất lợi nhuận của các công ty sản xuất tôn mạ có thể bị kìm hãm trong ngắn hạn nhưng vẫn sẽ cao hơn mức đáy ghi nhận được trong năm 2018- 2019.