Khó ngăn chiêu lách thuế nhập khẩu thép
Tình trạng doanh nghiệp (DN) lẩn tránh thuế tự vệ với thép nhập khẩu từ Trung Quốc bằng cách giở chiêu trò khai không đúng mã số hàng hóa vẫn là một nỗi lo lớn.
Giá rẻ vì gian lận thuế
Với 3/4 lượng sắt thép nhập khẩu của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc, thời gian qua một lượng lớn sắt thép giá rẻ của nước này đã nhập vào Việt Nam khiến ngành sản xuất thép trong nước điêu đứng. Đáng lo nhất là tình trạng DN lẩn tránh thuế tự vệ với thép nhập khẩu bằng cách khai không đúng mã số hàng hóa gây thất thu thuế hàng chục triệu USD, tác động xấu đến thị trường thép trong nước.
TS. Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết, thép từ Trung Quốc có dấu hiệu gian lận thương mại ghi là “thép hợp kim” nhưng thực tế là thép thông thường. Đặc biệt, việc các DN nhập khẩu thép trong quá trình khai báo đã khai không đúng mã số hàng hóa khi chuyển từ mã thép HS này sang mã HS khác đã dẫn đến lượng thép nhập khẩu thực tế vẫn tăng mặc dù đã bị áp thuế.
Trao đổi bên lề Hội thảo “Thị trường thép châu Á 2017” mới diễn ra tại TP.HCM, TS. Nguyễn Văn Sưa đã lưu ý chuyện này sau khi Bộ Công Thương từ tháng 7/2016 thực hiện việc áp thuế tự vệ với phôi thép (mức thuế 23,3%) và thép dài (mức thuế 15,4%) đến ngày 21/3/2017.
Trước đây, thép dài được các nhà sản xuất ở Trung Quốc đưa một hàm lượng rất nhỏ Bo vào, tuy chất lượng không thay đổi nhưng lại được mệnh danh là thép hợp kim (để lợi dụng chính sách thuế nhập khẩu ưu đãi đối với loại thép này) nhằm tránh được thuế nhập khẩu của Việt Nam. Sau đó, phía Việt Nam quyết định áp thuế tự vệ, trong đó có cả mã HS của loại thép này (loại 7227). Mặc dù vậy, các nhà nhập khẩu vẫn rất khôn khéo khi khai thép được nhập không phải loại 7227, mà là mã 7213.91.90, một loại thép được áp thuế chỉ với mức 3%.
Theo ông Sưa, tình trạng gian lận nhập khẩu này chỉ có phía hải quan mới nắm được như thế nào. Nhưng rõ ràng đây là hiện tượng lách thuế tự vệ, lách luật, tìm ra những kẽ hở của pháp luật để lách. Vì vậy, với thép nhập khẩu từ Trung Quốc, phía VSA vừa kiến nghị Bộ Công Thương mở rộng phạm vi đối tượng áp thuế tự vệ đối với mã thép nêu trên và vài mã thép khác tương tự nhằm chống lách thuế tự vệ.
Được biết, hồi gần cuối năm ngoái, tình trạng lượng nhập khẩu thép mã HS 7213.91.90 tăng lên mức đột biến sau khi áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép có mã HS 7227.9000 từ tháng 4/2016.
Tạo đà tăng giá thép xây dựng?
Trước phản ánh của VSA về hiện tượng lẩn tránh thuế tự vệ đối với mặt hàng thép nhập khẩu bằng cách khai không đúng mã số hàng hóa, mới đây phía Tổng cục Hải quan đã yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan thực hiện nghiêm túc, đúng quy định việc lấy mẫu
Gần đây, các biện pháp tự vệ tạm thời để bảo vệ các DN sản xuất thép trong nước cũng đã được Bộ Công Thương liên tiếp ban hành. Đặc biệt, sau các biện pháp tự vệ tạm thời này, Bộ Công Thương đã áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với hai mặt hàng phôi thép và thép dài. Theo đó, thuế suất nhập khẩu đối với phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam là 21,3% trong vòng 1 năm, từ ngày 22/3/2017 đến 21/3/2018. Còn mới đây nhất (ngày 30/3), Bộ Công Thương đã quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm thép mạ (còn gọi là tôn mạ) nhập khẩu từ Trung Quốc.
Liên quan đến các biện pháp tự vệ tạm thời của Bộ Công Thương, các nhà phân tích từ Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng nhận định, áp lực cạnh tranh với thép giá rẻ từ Trung Quốc sẽ vẫn hiện hữu, do mức độ cắt giảm sản lượng thực tế vẫn chưa cao, cùng với đó là thép Trung Quốc đang chịu sức ép lớn tại các thị trường lớn, đặc biệt gần đây là Mỹ, khi liên tiếp bị áp các loại thuế chống bán phá giá.
Còn theo đánh giá của Công ty chứng khoán VCBS, việc áp thuế tự vệ sẽ đem lại hiệu ứng tâm lý tích cực hơn cho nhà đầu tư đối với cổ phiếu ngành thép, đồng thời hỗ trợ cho đà tăng của giá thép xây dựng. Trong khi theo báo cáo từ Bộ Công Thương, tới năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 15 triệu tấn thép xây dựng, nhu cầu tăng khoảng 15% – 20%/năm.