Hòa Phát sắp giảm mạnh lợi nhuận sau chuỗi ngày giá thép tăng nóng?

Rate this post

Do nhu cầu tương đối yếu tại thị trường nội địa trong mùa mưa, nên biên lợi nhuận gộp mảng thép xây dựng của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) nhiều khả năng sụt giảm trong quý III.

Lợi nhuận vượt mốc 10.000 tỷ đồng trong 1 quý

Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), lợi nhuận quý II của HPG nhiều khả năng sẽ vượt mốc 10.000 tỷ đồng, ước đạt 10.200 tỷ đồng.

Với kỷ lục này, VDSC điều chỉnh dự phóng lợi nhuận sau thuế năm 2021 của HPG tăng 17%, từ 29.000 tỷ đồng lên 34.000 tỷ đồng, nâng mức EPS dự phóng năm 2021 lên 7.140 đồng.

Kết quả kinh doanh quý I-2021 của doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam đến từ mảng thép cán nóng (HRC). Đây là mảng kinh doanh giữ vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh hiện tại của HPG, nhờ hưởng lợi từ xu hướng tăng giá HRC và nhu cầu mạnh mẽ của các nhà xuất khẩu tôn mạ.

Theo nhận định của VDSC, trong quý III, biên lợi nhuận gộp của mảng này có thể duy trì ổn định ở mức cao. Triển vọng giá HRC tốt hơn kỳ vọng, khi giá giao tháng 7 đạt hơn 1.000 USD/tấn.

Dù giá bán có xu hướng cao hơn so với một số nhà máy Trung Quốc, nhưng HPG sẽ không gặp khó khăn trong việc tiêu thụ hết sản lượng sản xuất. Điều này là do nhu cầu mạnh mẽ về HRC từ các nhà xuất khẩu tôn mạ nội địa.

Thực tế, các công ty tôn đang nhận được lượng đơn đặt hàng lớn từ thị trường EU và Bắc Mỹ, vốn đã cấm HRC của Trung Quốc. Để đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ của thép nền, các nhà sản xuất tôn mạ trong nước chủ yếu sử dụng HRC từ HPG, Formosa, hoặc Ấn Độ.

Hiện tại, nguồn cung HRC của Ấn Độ suy yếu do đại dịch, khiến giá xuất khẩu tăng cao. Do đó, các nhà sản xuất tôn mạ nội địa thiếu nguồn nhập khẩu giá rẻ để đáp ứng nhu cầu từ thị trường xuất khẩu, cho phép HPG duy trì mức sản lượng và giá bán cao.


Nhu cầu xây dựng nội địa luôn yếu khi bước vào mùa mưa, điều này dự báo HPG có thể giảm giá thép để duy trì sản lượng bán hàng.

Từ thực tế trên, VDSC kỳ vọng HPG sẽ tiêu thụ được khoảng 690.000 tấn HRC (bao gồm cả tiêu thụ nội bộ và xuất khẩu) trong quý III, tăng khoảng 4% so với quý trước đó.

Lợi nhuận quý III nhiều khả năng giảm mạnh

Tuy nhiên, biên gộp mảng thép xây dựng nhiều khả năng sụt giảm trong quý III so với quý trước, do nhu cầu tương đối yếu tại thị trường nội địa. Thực tế, sự suy giảm này đã xảy ra từ tháng 5 vừa qua, với sản lượng bán ra giảm xuống còn 320.000 tấn sau khi tăng mạnh trong tháng 3 và tháng 4.

Nguyên nhân là do hàng tồn kho tích trữ lớn của các nhà bán lẻ, giá bán tăng và nhu cầu nội địa tương đối yếu vì mùa mưa sắp đến, nhu cầu thép xây dựng quý III nhiều khả năng sẽ yếu hơn so với quý II. Đây cũng là những yếu tố khiến HPG không thể duy trì sản lượng bán hàng cao như quý I và đầu quý II.
Để đối phó với tình trạng này, HPG có thể giảm giá bán thép xây dựng trong những tháng tới, nhằm duy trì sản lượng bán hàng, dẫn đến biên gộp nhiều khả năng giảm trong nửa cuối năm. Theo VDSC, chính sách giá này cho phép HPG duy trì sản lượng bán ra ở mức 1,04 triệu tấn trong quý III, tương đương với quý II.

Tuy nhiên, do giá quặng sắt đang trong xu hướng tăng, nên biên lợi nhuận gộp của mảng này có thể giảm đáng kể trong quý III. Lợi nhuận từ mức dự báo kỷ lục 10.200 tỷ đồng trong quý II, có thể giảm mạnh về mức 8.900 tỷ đồng trong quý sắp tới.

0936252539
Liên hệ