Giá thép tăng, giá quặng sắt giảm

Rate this post

Giá thép xây dựng ngày 17/4  tăng mạnh, giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm sau một cuộc thăm dò cho thấy tăng trưởng GDP của nước này trong quý 1 giảm lần đầu tiên trong gần 3 thập kỷ.

Giá thép xây dựng tăng mạnh

Giá thép thanh giao tháng 10 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 45 nhân dân tệ lên 3.425 nhân dân tệ/tấn vào lúc 9h30, ngày 17/4, giờ Việt Nam.

Kết thúc phiên thứ Năm (16/4), hợp đồng thép thanh xây dựng giao tháng 10 tăng 0,2% lên 3.385 nhân dân tệ/tấn sau khi Trung Quốc công bố giá nhà mới cao hơn trong tháng 3.

Giá nhà mới ở Trung Quốc đã tăng trở lại trong tháng 3 sau khi bị đình trệ lần đầu tiên sau 5 năm vào tháng 2 bởi nhu cầu trên thị trường bất động sản bị tác động từ sự bùng phát của virus corona.

Giá thép cuộn cán nóng tăng 0,8% lên 3.234 nhân dân tệ/tấn.

Hợp đồng thép không gỉ giao tháng 6 giảm giảm 2,3% xuống 12.695 nhân dân tệ/tấn mặc dù chạm đỉnh 7 tuần trong phiên trước đó.

Giá quặng sắt của Trung Quốc giảm sau khi cuộc điều tra của Reuters cho thấy tăng trưởng GDP của nước này trong quí III dự kiến sẽ giảm lần đầu tiên sau gần 3 thập kỉ.

Các chuyên gia phân tích dự đoán tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc giảm 6,5% trong 3 tháng đầu năm do đại dịch virus corona.

Bắc Kinh sẽ công bố các chỉ số kinh tế quan trọng vào thứ Sáu (17/4).

Hợp đồng quặng sắt giao tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên kết thúc phiên giảm 0,3% xuống 606 nhân dân tệ/tấn (85,63 USD/tấn).

Giá than mỡ tăng 0,4% lên 1.137 nhân dân tệ/tấn trong khi giá than cốc giảm 0,3% xuống 1.717 nhân dân tệ/tấn.

Ghi nhận hơn 2 triệu ca nhiễm virus corona trên toàn cầu và 136.667 người tử vong, theo thống kê của Reuters.

Liên đoàn Sắt thép Nhật Bản sẽ bỏ qua việc báo cáo sản lượng thép thô hàng tháng trong tháng này vì không thể tổng hợp dữ liệu sau khi chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh.

Ngành thép Việt Nam: Khó khăn chồng chất khó khăn

Theo thông tin từ Hiệp hội thép VN, ngành thép trong nước tiếp tục đối mặt thách thức do sự ngưng trệ các ngành sản xuất sử dụng thép công nghiệp xây dựng, hạ tầng cơ sở, ô tô, xe máy… và sức ép cạnh tranh từ việc gia tăng nguồn cung trong nước.

Trong bối cảnh thị trường ảm đạm toàn cầu nói chung, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép trong nước quý I/2020 có mức tăng trưởng âm lần lượt là 6% và 12,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, loại trừ tăng trưởng của thép cuộn cán nóng (HRC) thì sản xuất giảm 4% trong khi bán hàng giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, sản xuất thép các loại đạt hơn 5.728.408 tấn (giảm 6%), bán hàng thép các loại đạt 5.034.580 tấn (giảm 12,4%), xuất khẩu thép các loại đạt 1.024.908 tấn (giảm 21,3%) so với cùng kỳ quý I/2019.

Đối với thép xây dựng, lượng hàng xuất bán trong quý I/2020 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 ở mức 15% trong đó xuất khẩu giảm 14% và tiêu thụ nội địa giảm 16%. Trong tháng 3/2020, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép đều giảm như quặng sắt giảm 6 USD/tấn; giá thép phế giảm khoảng 30 – 35 USD/tấn so với đầu tháng 02/2020; giá phôi thép Đông Nam Á giảm mạnh 40-50 USD/tấn. Giá bán thép trong nước hiện ở mức bình quân khoảng 11.000 – 11.400 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể.

Hiệp hội thép cho biết, đối với thị trường thép trong nước, sau thời gian chững lại của quý I/2020 nhu cầu sẽ tăng trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, thị trường thép trong nước sẽ phải đối phó với thép xuất khẩu của Trung Quốc với giá rẻ do Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng mức hoàn thuế đối với 1.084 hàng hóa xuất khẩu lên 13% và với 380 mặt hàng lên 10% kể từ ngày 20/3/2020. Các sản phẩm thép bao gồm thép hợp kim và không hợp kim như thép không gỉ, thép thanh, ống thép và các sản phẩm cuối cùng làm bằng thép như đồ dùng nhà bếp là một trong số 1.084 mặt hàng được hưởng hoàn thuế 13%. Hiện tại, các sản phẩm thép này hầu hết được hoàn thuế ở mức 9% hoặc 10%, tùy thuộc vào loại hoặc thông số kỹ thuật.

Với việc tăng hoàn thuế, các nhà xuất khẩu thép Trung Quốc sẽ linh hoạt hơn để giảm giá xuất khẩu hơn nữa và do đó nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm thép có nguồn gốc Trung Quốc trên phạm vi quốc tế trong đó có Việt Nam.

Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào với giá cao sẽ cạnh tranh gay gắt với thép thành phẩm giá rẻ của Trung Quốc chào bán.

Bước sang tháng 4 và Quý II, tình hình sản xuất và bán hàng thép xây dựng trong sẽ khó khăn hơn do nhu cầu thấp và dịch bệnh kéo dài lan rộng trong nước cũng như toàn cầu. Kể cả khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì cũng sẽ rất khó khăn khi cuối quý II sẽ bước vào mùa thấp điểm xây dựng.

0936252539
Liên hệ