Đề xuất thành lập Quỹ bình ổn giá thép
Theo các chuyên gia, việc đề xuất thành lập quỹ bình ổn giá thép “không ổn” chút nào. Chỉ những mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống như xăng dầu thì mới nên có quỹ bình ổn. Thậm chí cũng có nhiều chuyên gia nêu quan điểm nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, để mặt hàng này điều tiết theo cơ chế thị trường.
Xây dựng quỹ bình ổn giá thép đi ngược lại quy luật thị trường
Mới đây, tại buổi làm việc với các doanh nghiệp ngành thép, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nêu 7 giải pháp để ngành thép phát triển trong tương lai. Trong đó, cân nhắc việc hình thành quỹ bình ổn giá thép trong tương lai, tạo cơ sở để giữ được ổn định thị trường thép.
Tuy nhiên, đề xuất này ngay lập tức nhận lại nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên môn khi cho rằng, sẽ không khả thi khi đang tư duy ngược với thể chế về quản lý giá trong cơ chế thị trường.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế độc lập cho biết, không nên lập quỹ bình ổn giá cho thép, với mặt hàng thép nên để cho thị trường dao động theo quy luật cung cầu.
“Cứ hễ mặt hàng nào tăng giá, leo thang lại đề xuất thành lập quỹ bình ổn thì “không ổn” chút nào. Chỉ những mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống như xăng dầu thì mới nên có quỹ bình ổn.
Còn thép liên quan đến vật liệu xây dựng, không thuộc đại đa số người dân cần sử dụng, nên với tư cách là chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực này – tôi không đồng tình”, ông Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Theo ông Hiếu, nếu xây dựng quỹ bình ổn giá thép và dùng quỹ đó để điều chỉnh giá thì đi ngược lại quy luật kinh tế thị trường. Bởi, kinh tế thị trường là nền kinh tế điều tiết theo quy luật cung cầu.
Việc giá thép tăng cao có thể ảnh hưởng nhất định đến công trình xây dựng, trong đó có những công trình xây dựng cho nhà ở xã hội. Trường hợp ảnh hưởng đến việc xây dựng công trình nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp thì lúc đó Chính phủ cần hỗ trợ bằng ngân sách của Chính phủ. Còn quỹ bình ổn điều chỉnh giá thép thì không cần thiết và không nên.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh phân tích, quỹ bình ổn là một trong những công cụ vận hành theo Luật Quản lý giá (Luật Giá – PV), nhưng thép không thuộc danh mục hàng hóa được bình ổn theo Luật này, nên đề xuất của Bộ trưởng Công Thương không phù hợp.
Theo ông Ánh, thị trường thép đã hoạt động cạnh tranh từ nhiều năm nay thì hiện không có lý do gì mà can thiệp vào thị trường, cũng như giá thị trường thông qua những công cụ của Nhà nước, kể cả quỹ bình ổn.
Ngoài ra, biến động giá thép do nhiều nguyên nhân, cả trong và ngoài nước. Trong đó, có vấn đề về phôi thép, nhu cầu và đột biến về chi phí vận tải. Quỹ bình ổn không phù hợp với các nguyên nhân gây ra bất ổn về giá thép.
“Tóm lại, đề xuất lập quỹ bình ổn vừa phạm luật, vừa vi phạm các nguyên tắc của kinh tế thị trường và không phù hợp với bản chất nguyên nhân làm biến động giá thép lần này”, chuyên gia Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.
Với xăng dầu còn đề xuất điều tiết theo cơ chế thị trường, huống chi thép
PGS.TS kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc giá thép và nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến phần nào cũng ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là với doanh nghiệp xây dựng. Tuy nhiên, việc tăng giá này chỉ mang tính nhất thời, ngắn hạn.
Thép không phải mặt hàng cần bình ổn giá để thành lập quỹ bình ổn như xăng dầu. Thậm chí, với mặt hàng xăng dầu cũng có nhiều người đề xuất nên bỏ quỹ này, để cho xăng dầu điều tiết theo cơ chế thị trường. Trong khi thép đang điều tiết theo thị trường rồi – hà cớ gì lại đề xuất thành lập quỹ bình ổn.
“Thực sự đề xuất xây dựng quỹ bình ổn thép là không cần thiết, đi ngược kinh tế thị trường, tạo ra những khoản chi không cần thiết, làm cho bộ máy cồng kềnh, hoạt động của lĩnh vực thép trở nên phức tạp”, ông Thịnh cho hay.
Theo ông Thịnh, lập quỹ bình ổn thép sẽ tạo ra sự không minh bạch, phi thị trường. “Trích quỹ thế nào, thời gian trích ra sao, ai quản lý, quản lý thế nào cũng là vấn đề rất khó, không đơn giản. Ngay cả quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhiều người thấy đang có sự bất cập, chuyên gia cũng lên tiếng nhiều. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta phải nghĩ khác đi”.