Thành lập đoàn liên ngành kiểm tra việc giá thép tăng bất thường
Liên quan vấn đề giá thép tăng bất thường trong thời gian vừa qua, trao đổi bên lề cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 17.6, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ đã thành lập một đoàn làm việc với doanh nghiệp thép.
Thành lập một đoàn làm việc với doanh nghiệp thép
Thành phần đoàn bao gồm phía Bộ Công Thương cùng các cơ quan có liên quan khác như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Hải quan, Tổng cục thuế, Hiệp hội Thép Việt Nam, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương…
Đối tượng làm việc sẽ cơ bản là những doanh nghiệp có thị phần lớn trên thị trường. “Thời gian kết thúc kiểm tra còn phụ thuộc nhiều vào diễn dịch COVID-19. Tuy nhiên sẽ cố gắng hoàn thành sớm trong khoảng một tháng”, ông Hải cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Thành – Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết thêm, Đoàn công tác sẽ làm việc với hiệp hội, doanh nghiệp thép nhằm nắm bắt thông tin về tình hình sản xuất, tình hình cung cầu đối với nguyên liệu đầu vào cũng như sản phẩm thép thành phẩm trong thời gian vừa qua cũng như dự báo trong thời gian tới.
Theo ông Thành, trong các báo cáo của Bộ Công Thương với Chính phủ về vấn đề giá thép đã nêu chi tiết về các nguyên nhân giá thép tăng trong thời gian gần đây.
“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn muốn làm việc cụ thể với các doanh nghiệp, để nắm bắt cụ thể hơn ngoài các yếu tố chính như: Giá nguyên liệu quặng sắt, sắt phế, điện cực… tăng cao trong thời gian qua còn có những nguyên nhân nào khác nữa không?”, ông Thành cho biết.
Về thời gian làm việc của Đoàn công tác liên ngành với các doanh nghiệp, theo ông Thành – bắt đầu được triển khai từ ngày hôm nay (17.6). Trước mắt sẽ tiến hành làm việc với các doanh nghiệp phía Bắc, còn khu vực miền Nam đang có dịch diễn biến phức tạp nên sẽ xem xét sau.
Giá thép tăng đột biến, một công trình có thể lỗ tới vài trăm triệu đồng
Ông Nghiêm Xuân Đa – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam – giá thép vẫn tiếp tục tăng từng ngày và liên tục lập đỉnh mới khiến cho nhiều doanh nghiệp xây dựng lo lắng. Thậm chí, có doanh nghiệp còn cảm thấy “sốc” vì mới nhận thầu dự án và cho rằng giá thép đã lập đỉnh, không thể tăng thêm được nữa.
Ông Nguyễn Tùng – Ban Quản lý xây dựng Công ty AZ Thăng Long – cho Lao Động biết, thời gian này, giá thép tăng đột biến, khiến các doanh nghiệp xây dựng “méo mặt”. Nếu như trước Tết Nguyên đán, giá thép phi 6 Việt Mỹ phục vụ cho công trình xây thô chỉ 3,5 triệu đồng/m2 thì nay tăng lên 4 triệu đồng/m2.
“Giá thép tăng cao khiến doanh nghiệp xây dựng như chúng tôi rất “ngại” nhập thép ở thời điểm này. Tuy nhiên, khi làm công trình, chúng tôi và chủ đầu tư phải có cam kết về tiến độ, nếu chậm tiến độ thì bị phạt nặng, cho nên vẫn phải ngậm ngùi nhập thép” – ông Tùng cho hay.
Còn theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định, với tình hình giá thép tăng cao, tính trong tổng giá trị công trình thì chi phí vật liệu đầu vào chiếm 60%, chi phí nhân công chiếm 20%.
Do đó, theo Hiệp hội, đối với các công trình xây dựng dân dụng và hạ tầng với giá trị khoảng 10 tỉ đồng thì có thể bù lỗ lên tới vài trăm triệu đồng.
Còn đối với các công trình thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, hợp đồng trọn gói, đơn giá cố định, giá cả thị trường của các loại vật liệu tăng cao khiến cho các doanh nghiệp xây dựng thực sự gặp rất nhiều khó khăn, rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, làm thì lỗ, không làm thì vi phạm hợp đồng đã ký với chủ đầu tư. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp phải tạm giãn tiến độ thi công để nghe ngóng thị trường.
Bên cạnh đó, việc bùng phát dịch COVID-19 cũng khiến một số doanh nghiệp xây dựng phải dừng thi công, ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình phát triển kinh tế chung.