Tăng năng lực sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu thép nội địa

Rate this post

Theo các chuyên gia, việc tăng năng lực sản xuất và năng suất sẽ giúp ngành thép đáp ứng hơn nhu cầu thép trong nước; từ đó ghìm lại sự tăng giá của thép.

Những ngày gần đây, giá thép đã hạ nhiệt so với thời điểm đầu tháng 6. Tuy nhiên, giá bán hiện tại vẫn “neo” ở mức khá cao. Nhiều ý kiến cho rằng, tăng năng lực sản xuất và năng suất sẽ giúp ngành thép đáp ứng hơn nhu cầu thép trong nước; từ đó ghìm lại sự tăng giá của thép.

Giá đã hạ nhiệt

Sau chuỗi thời gian tăng giá phi mã vừa qua, giá thép đã có mức giảm trong những ngày đầu tuần. Hiện giá thép của Hòa Phát loại CB240 ở mức từ 16,6 – 16,7 triệu đồng/tấn, thép cây D10 ở mức 16,8 triệu đồng/tấn, giảm khoảng 1 triệu đồng/tấn so với thời điểm đầu tháng 6.

Thép Việt Ý loại CB240 cũng đã giảm về mức 16,7 triệu đồng/tấn, thép D10 CB300 có giá trên 16,8 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu thép Pomina tại miền Trung và miền Nam với dòng thép cuộn CB240 ở mức trên 16,1 triệu đồng đến gần 16,3 triệu đồng/tấn. Thép thanh D10 CB300 có mức giá từ 17-17,1 triệu đồng/tấn.

Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, giá thép đang có xu hướng giảm giá, nhưng đây chỉ là mức giảm tạm thời.

Thực tế giá thép vẫn đang ở mức khá cao, bởi thời điểm này đang bước vào mùa mưa, các công trình sẽ giảm thi công khiến giá giảm theo cung cầu. Khi bước vào những tháng cuối năm là cao điểm mùa xây dựng, giá thép có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh trở lại.

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, năng lực sản xuất của các nhà máy thép trong nước về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu thép xây dựng thông thường. Các sản phầm Việt Nam có thể xuất khẩu cao như tôn mạ, ống thép, thép cuộn cán nguội.

Còn lại, nhiều sản phẩm khác như thép cuộn cán nóng, thép hợp kim, thép tấm cán nóng,… còn phải nhập khẩu.

Chính vì thế, giá nhiều sản phẩm vẫn sẽ phụ thuộc nhiều vào yếu tố thị trường nước ngoài do nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của ngành này đa phần phải nhập khẩu, như: quặng sắt, thép phế, than mỡ luyện cốc, điện cực…

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ đã thành lập một đoàn làm việc với hiệp hội, doanh nghiệp thép để nắm bắt thông tin về tình hình sản xuất, cung cầu đối với nguyên liệu đầu vào cũng như sản phẩm thép thành phẩm trong thời gian vừa qua và dự báo trong thời gian tới.

Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Công Thương đã nêu chi tiết về các nguyên nhân giá thép tăng trong thời gian gần đây, song Bộ vẫn muốn làm việc cụ thể với các doanh nghiệp, để nắm bắt cụ thể hơn về nguyên nhân giá nguyên liệu quặng sắt, sắt phế, điện cực… tăng cao trong thời gian qua.

Tăng năng lực sản xuất thép

Theo ông Nghiêm Xuân Đa, chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, trong 5 năm gần đây, ngành thép có sự phát triển vượt bậc. Việt Nam đứng số 1 Đông Nam Á về sản xuất, tiêu thụ thép. Trên bản đồ thế giới, sản xuất thép thô đứng thứ 14.

Tuy nhiên, Việt Nam mới chủ yếu sản xuất và tiêu thụ mạnh ở sản phẩm thép xây dựng, trong khi các sản phẩm thép đặc chủng, thép hợp kim… vẫn phải nhập khẩu.

“Vì thế, doanh nghiệp ngành thép đề xuất, Bộ Công Thương xây dựng chiến lược phát triển ngành thép thời gian tới gắn với nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; tăng năng lực và công nghệ trong ngành thép”, ông Đa nói.

Hiệp hội Thép Việt Nam cũng đề nghị các doanh nghiệp thành viên cung cấp thông tin về công suất nhà máy và kế hoạch sản xuất bán hàng trong quý II/2021 và dự kiến cả năm 2021 để Hiệp hội tổng hợp, báo cáo với cơ quan nhà nước, cung cấp thông tin đầy đủ đến người tiêu dùng thép góp phần đảm bảo bình ổn thị trường thép trong nước thời gian tới.

Đại diện Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ sẽ ưu tiên xây dựng chính sách để các doanh nghiệp phát triển lành mạnh và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Bộ đã chủ động vào cuộc, tiếp nhận và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp ngành thép; đồng thời đánh giá cao những đề xuất liên quan đến việc xây dựng chính sách phát triển ngành thép.

Theo Bộ Trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, để tăng năng lực của ngành thép, cần phải đẩy mạnh phát triển theo hướng “đi tắt, đón đầu”, ứng dụng những công nghệ mới, vừa đáp ứng nhu cầu trong xây dựng, vừa đáp ứng nguyên liệu đầu vào quan trọng cho các ngành công nghiệp cơ khí chế tạo.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ, trước hết, cần tập trung nghiên cứu, xây dựng chiến lược, quy hoạch và chính sách đủ mạnh, đồng bộ, khả thi để thực hiện cho được các mục tiêu phát triển ngành thép. Đồng thời, tạo tiền đề cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cùng với đó, từng bước hình thành quỹ đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa, sự đóng góp của các doanh nghiệp trong ngành thép để nghiên cứu đầu tư vào các phòng thí nghiệm, sản xuất ra những mặt hàng thép đặc biệt.

Từ đó, đáp ứng được nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp chế tạo khác; hình thành chuỗi doanh nghiệp sản xuất sản phẩm sau thép đặc biệt, không chỉ dừng lại nguyên liệu mà còn có thể là thành phẩm…

Hiện Bộ Công Thương đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành nghiên cứu các biện pháp thúc đẩy, tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

 

Nguồn tin : Vietnambiz

0936252539
Liên hệ