VSA kiến nghị không điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu thép

Rate this post

VSA cho rằng đề xuất điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phôi thép và giảm thuế nhập khẩu MFN đối với các mặt hàng thép thành phẩm là không phù hợp với thực trạng sản xuất thép hiện nay.

Đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu thép là rất cần thiết

Mới đây, Bộ Tài chính công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Trong đó, với ngành thép, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép (nhóm 72.06 và 72.07) từ 0% lên 5% và giảm 5-10% mức thuế nhập khẩu thuế tối huệ quốc (MFN) của một số loại sắt thép.

Chia sẻ quan điểm về đề xuất này, Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), cho biết: “Đối với nội dung đề xuất điều chỉnh thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu một số mặt hàng sắt thép của Bộ Tài chính, VSA nhận thấy chưa phù hợp với thực trạng ngành sản xuất thép trong nước hiện nay”.

Nguyên nhân kể từ đợt dịch bắt đầu bùng phát từ cuối háng 4/2021 cho đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, nhiều địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Chỉ thị 15 của Chính phủ khiến hoạt động xây dựng cơ bản từ công nghiệp đến dân dụng đều ngưng trệ, tình hình tiêu thụ thép trong nước giảm mạnh.

Cụ thể bán hàng thép thành phẩm trong nước tháng 6/2021 đã giảm 20% so với tháng 5, nếu loại trừ tăng trưởng thép cuộn cán nóng thì bán hàng nội địa giảm mạnh 28% so với tháng trước và giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, sản xuất thép thành phẩm các thành viên đạt gần 16 triệu tấn, tăng 37%.

Bán hàng đạt hơn 14 triệu tấn, tăng 35% trong đó bán hàng nội địa đạt hơn 10 triệu tấn, tăng 16% và xuất khẩu thép thành phẩm 4 triệu tấn, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2020. Từ đó cho thấy ngành thép hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu trong nước và dư để xuất khẩu.

“Việc đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu là rất cần thiết, giúp đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động thì cơ hợi xuất khẩu các sản phẩm thép thành phẩm này là tốt, giúp có nguồn thu ngoại tệ và đa dạng hóa thị trường của doanh nghiệp”, đại diện VSA nhận định.

Do đó, tại cuộc họp tổ chức tại trụ sở Bộ Tài chính ngày 18/6 đại diện VSA đã báo cáo và nhất trí với ý kiến của đại diện Bộ Công Thương về việc chưa điều chỉnh chính sách thuế xuất nhập khẩu trong thời điểm hiện nay.

Giá thép tăng không phải do tác động của chính sách thuế xuất nhập khẩu

Theo Bộ Tài chính thời gian qua giá thép xây dựng trong nước liên tục tăng mạnh chủ yếu do tăng giá nguyên liệu sản xuất thép và ngành thép phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu từ bên ngoài.

Việc giá thép tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ và giải ngân cũng như chi phí dự phòng của các dự án, đặc biệt các dự án đầu tư công; ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất.

Do đó, để góp phần hạ giá mặt hàng thép xây dựng, thúc đẩy các doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng cao, Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án điều chỉnh mức thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phôi thép và mức thuế nhập khẩu MFN của một số loại sắt thép.

Tuy nhiên, theo VSA nguyên nhân tăng giá do thị trường nguyên liệu thế giới biến động nhưng không phải do tác động của chính sách thuế xuất nhập khẩu cũng như các chính sách phòng vệ thương mại được áp dụng đối với các sản phẩm thép.

“Trong khoảng 10 năm trở lại đây, xu hướng bảo hộ ngành thép gia tăng trên toàn thế giới ngay cả tại các quốc gia phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản…để bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước.

Trong bối cảnh đó, việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng thép trong nước, là các mặt hàng đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu một phần, sẽ làm thép từ bên ngoài tràn vào, đe dọa đến hoạt động sả xuất của các doanh nghiệp trong nước vốn đang rất khó khăn”, VSA chia sẻ.

Đặc biệt với các FTA Việt Nam đã, đang và sẽ ký với các quốc gia và khu vực đã là một thách thức đối với ngành thép Việt Nam, đặc biệt với các khối như CPTPP, RCEP là những khu vực có các quốc gia, cường quốc sản xuất thép lớn nhất thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản…Việc điều chỉnh thuế như dự thảo tờ trình của Bộ Tài chính sẽ làm gia tăng khó khăn cho các nhà sản xuất thép trong nước.

Hơn nữa, đại diện ngành hàng cho rằng chính sách thuế xuất nhập khẩu nói chung và thuế xuất nhập khẩu thép là những chính sách dài hạn góp phần thúc đẩy ngành sản xuất trong nước trong đó có ngành thép phát triển chứ không phải là một giải pháp ngắn hạn trước mắt để xử lý các hiện tượng tăng giảm của thị trường nhất thời.

Do đó, quan điểm của VSA là Chính phủ cần có chính sách nhất quán để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

“VSA và các nhà sản xuất thép Việt Nam kiến nghị không điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phôi thép và không giảm thuế nhập khẩu MFN đối với các mặt hàng thép thành phẩm”, Hiệp hội thép Việt Nam kiến nghị.

(Theo vietnambiz.vn)

0936252539
Liên hệ