Hướng đến đô thị xanh
Quy hoạch đô thị lâu nay đang có xu hướng chạy theo số lượng, quy mô lớn, kiến trúc hoành tráng…
Nhiều khu đô thị mới đã thấy bức bách khi thiếu chú trọng chất lượng cuộc sống, chủ yếu là chỉ lựa chọn không gian tồn tại mà không chú ý đến không gian sống tốt đẹp, lý tưởng… Nhà quy hoạch bao giờ cũng muốn hướng đến đô thị xanh, sạch thanh bình, trong khi các chủ đầu tư chỉ chú ý khai thác tối đa không gian có thể để tìm kiếm hiệu quả đầu tư tối đa. Và khi đã giao dự án vào tay nhà đầu tư, gần như không ai làm “trọng tài” cho nên không gian công cộng cây xanh mặt nước thảm cỏ đã bị xà xẻo tận cùng nhằm sinh lợi, thay vì không gian ấy phải được bảo vệ và phát huy như phải đào thêm sông, đắp thêm núi và dành đất cho sân thể thao, nhà thi đấu…
Cả khu đô thị rộng lớn Trung Hòa – Nhân Chính giờ không còn bãi cỏ, sân chơi công cộng. Kể cả đường sá cũng chật chội, chắp vá. Sẽ khủng hoảng, bí bách và lạc hậu trong tương lai không xa, nếu quy hoạch đô thị được làm một cách chủ quan, tùy tiện, phục vụ nhóm lợi ích như có người nhận định, mà bỏ qua chất lượng cuộc sống cộng đồng.
Không gian công cộng đô thị (và cả nông thôn) cần được sử dụng với mục đích lâu dài là phục vụ nhu cầu văn hóa, thể thao, giải trí và tạo môi trường xanh đẹp và sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Trong lịch sử, cả nông thôn và thành thị không gian công cộng chính là đình, chùa, cây đa bến nước, ao làng. Ngày nay, thiết chế văn hóa tại nhiều không gian công cộng có thêm cả sân bóng, bãi cỏ, phòng đọc thư viện… Tiếc thay, nhiều khu đô thị không có được điều ấy. Không gian công cộng là tài sản chung, quan trọng, phải được quản lý sử dụng bằng hệ thống quy định có tính pháp lý hẳn hoi Không gian ấy phải được coi trọng từ khi lập quy hoạch. Hiện tượng “ăn xổi ở thì” như nhiều nơi, thì về lâu dài chính người dân bị thiệt thòi. Nhưng người thiệt đầu tiên chính là DN, nhà đầu tư bởi cái sự “tham bát bỏ mâm”, làm giảm giá trị BĐS, sự thu hút đối với khách hàng và doanh thu thương mại… Cái hại lâu dài của cách làm ấy là tác động môi trường, biến đổi khí hậu, phá vỡ cảnh quan đô thì. Tại cái gọi là Sân vận động Thượng Đình trên đường Nguyễn Trãi, tôi đã gặp các chàng trai từ khắp TP đến chơi bóng đá trên mặt bằng hiếm hoi trơ đất thó. Bí chỗ chơi, đừng trách người trẻ không chịu rèn luyện sức khoẻ, mà chơi bởi lêu lỏng… Nhiều khu dân cư không có công viên, và không gian công cộng, người dân phải đi bộ ra đường phố mà rèn luyện sức khỏe. Biết bao “tài năng bóng đá tương lai” không có chỗ chơi đành vào quán net chơi game…
Để đô thị có được không gian công cộng, ngay từ quy hoạch đô thị phải xác định được ý tưởng, hình hài của các công trình, để có phương án dự trữ đất, đảm bảo diện tích đất tối thiểu cho xây dựng đường sá, công viên, các công trình dịch vụ và các không gian mở như bãi cỏ vườn cây, sân vận động, bể bơi, trạm bưu điện… Làm được vậy thì mỗi khu đô thị sẽ là một không gian sống lý tưởng, hạnh phúc, hướng tới quyền lợi người dân ở đó. Hãy lấy cuộc sống ngày càng có chất lượng của người dân làm trung tâm quy hoạch và đầu tư đô thị. Đó chính là một cách phát triển bền vững.
Tân Linh